Sunday, August 20, 2017

Varistor là gì ? Tụ chống sét hay tụ bảo vệ quá áp ?

       Với nhiều năm kinh nghiệm làm dịch vụ bảo hành, sửa nồi cơm điện cao tần Nhật Bản tôi biết rằng tụ chống sét và tụ bảo vệ quá áp được sử dụng rất nhiều trong các nồi cơm điện tử của Nhật Bản. Các tụ này có nhiệm vụ bảo vệ khi sét đánh vào đường dây hoặc cắm nhầm vào nguồn nuôi có điện áp quá cao. Vậy tụ chống sét là gì ? Tụ bảo vệ quá áp là gì ? Varistor là gì ?Những câu hỏi đó sẽ được tôi trình bày trong bài viết này.



varistor la gi
Varistor trong thực tế

Varistor là gì ?
      Varistor là một linh kiện điện tử thường dùng trong các mạch bảo vệ quá áp như chống cắm nhầm điện hoặc chống sét lan truyền cho các thiết bị điện tử . Các varistor thường được ký hiệu trên mạch điện là RV, MOV , RDV, VR.. và nhìn bề ngoài thì các varistor trông giống hệt các tụ gốm cao áp. để phân biệt được nó với tụ gốm cao áp các bạn cần phải biết ký hiệu của tụ là C còn của Varistor là những ký hiệu tôi vừa nêu trên. Trong sơ đồ nguyên lý thì các varistor có ký hiệu như hình dưới đây

ky hieu cua varistor
Ký hiệu varistor trong mạch điện
Các varistor thường gặp trong những bo mạch nào

      Chức năng chính của varistor là bảo vệ quá điện áp do đó chúng thường được sử dụng trong các khối bảo vệ đầu vào của các bo mạch nguồn , các bo lọc nguồn... Các varistor rất thường gặp khi tôi sửa nồi cơm điện cao tần , sửa bếp từ châu âu và các thiết bị nội địa khác của Nhật Bản. Trong lĩnh vực sửa nguồn xung và máy hàn điện tử thì các varistor này cũng được ứng dụng rất nhiều để bảo vệ mạch điện đầu vào.
Varistor trong mạch điện
Varistor hay tụ chống sét hay tụ bảo vệ quá áp ?
     Tụ chống sét và tụ bảo vệ quá áp chỉ là cách gọi dân dụng của varistor. Chúng là một và thường được các thợ kỹ thuật viên dùng để gọi thay cho varistor khi đi mua linh kiện trong nước. Những cách gọi này không được dùng trong kỹ thuật điện tử chuyên nghiệp.

Nguyên lý hoạt động của tụ bảo vệ quá áp hay tụ chống sét. 

     Ta biết rằng varistor là một linh kiện có hai chân và rất giống với tụ gốm. Để hiểu về nguyên lý hoạt động của tụ bảo vệ quá áp thì bạn cần phải biết cách mắc nó trong mạch điện như hình dưới đây.
Nguyên lý hoạt động của tụ chống sét

        Varistor được mắc song song với mạch điện cần bảo vệ và nối với hai cực nguồn nuôi thông qua một cầu chì. Khi ở mức điện áp cho phép thì varistor có một trở kháng vô cùng lớn hàng Mega ôm , có thể nói là cách điện hoàn toàn. Khi có sét đánh vào hoặc điện áp dâng cao thì đặc tính của varistor là sẽ dẫn điện hoàn toàn khi điện áp nguồn vào cao hơn giá trị sản xuất của nó , lúc đó dòng điện sẽ không đi qua mạch điện mà đi qua varistor  làm ngắn mạch và cầu chì sẽ bị đứt. Khi cầu chì đứt thì mạch điện sẽ không bị ảnh hưởng của nguồn điện và nhớ đó được bảo vệ an toàn khi áp dâng cao hoặc do sét đánh.  Muốn khôi phục lại mạch điện chỉ cần thay lại cầu chì và Varistor mới.

Khi sử dụng Varistor cần quan tâm những thông số gì

     Khi sử dụng Varistor hay tụ bảo vệ quá áp thì cần quan tâm đến giá trị điện áp mà nó chịu đựng. Muốn bảo vệ thiết bị điện áp ăn nguồn bao nhiêu vôn thì sử dụng Varistor có giá trị điện áp chịu đựng cao hơn một chút so với điện áp nguồn nuôi thiết bị. Ví dụ để bảo vệ chiếc nồi cơm điện Nhật Bản với nguồn nuôi 100V thì cần sử dụng tụ bảo vệ quá áp chịu khoảng 140V. Nếu cao hơn thì tính chất bảo vệ chống cắm nhầm điện hoặc bảo vệ quá áp không còn ý nghĩa nhiều . Hi vọng sau bài viết này các bạn có thể biết được là tụ chống sét hay tụ bảo vệ quá áp là những tên gọi dân dụng của một linh kiện điện tử có tên là Varistor. Chúc các bạn thành công trên con đường chinh phục kỹ thuật điện tử.

2 comments :

  1. điện lượng Q(culong) của 1 MOV được tính như thế nào vây ad?
    vd: MOV B72220S0271K101 S20K275 V RMS=275; VDC=350;
    i max(8/20 µs)= 8000A; W max(2 ms) =151.0(J); P max=1.00 W.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn, bài viết rất rõ ràng dễ hiểu

    ReplyDelete

Có nhận xét mới