Sunday, July 2, 2017

ĐIỆN TRỞ LÀ GÌ? CÁCH ĐỌC ĐIỆN TRỞ TRONG THỰC TẾ

       Xin chào tất cả các bạn đến với trung tâm điện tử thực hành NVT. Trong bài viết này tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu điện trở là gì và cách đọc điện trở trong thực tế.
DIEN TRO LA GI
ĐIỆN TRỞ LÀ GÌ?

ĐIỆN TRỞ LÀ MỘT ĐẠI LƯỢNG VẬT LÝ.

      Rất nhiều người đã luôn mặc định trong đầu khi nhắc đến hai từ " điện trở" là một linh kiện điện tử. Thực ra linh kiện điện trở chỉ là một dạng hình thể của điện trở mà thôi. Điện trở ở đây là một đại lượng vật lý, nó đặc trưng cho sức cản trở dòng điện của một vật dẫn nào đó (đồng, nhôm, sắt, nhựa, mica., vàng, bạc....). Hãy nhớ rằng bất cứ vật dẫn nào cũng có một giá trị điện trở nào đó. Đơn vị của điện trở là Ôm và ký hiệu là R. Các dây dẫn bằng kim loại có giá trị điện trở rất bé chỉ lớn hơn 0 Ôm chút xíu, trong khi đó các vật liệu bằng nhựa, gốm, xứ, thủy tinh.. có giá trị điện trở rất lớn lên tới cả Mega Ôm. Ở đây 1Kilo Ôm = 1000Ôm. , 1 Mega Ôm =1000.000 Ôm. giá trị điện trở càng lớn thì vật dẫn cách điện càng tốt và ngược lại. Trong một đoạn mạch đơn giản bao gồm nguồn và các điện trở ta có.


dien tro trong dinh luat om
ĐIỆN TRỞ TRONG ĐỊNH LUẬT ÔM

ĐIỆN TRỞ ĐƯỢC BIỂU HIỆN DƯỚI DẠNG LINH KIỆN ĐIỆN TỬ

      Ở phần trên ta đã biết được điện trở là một đại lượng vật lý đặc trưng cho sức cản trở dòng điện của một vật dẫn (điện trở có đơn vị là Ôm). Trong kỹ thuật điện tử người ta chế tạo ra những điện trở với rất nhiều hình dáng khác nhau và gọi chung là linh kiện điện trở.  Công dụng của điện trở trong mạch điện chính là dùng để hạn dòng trong các mạch điện, hệ quả của nó còn được sử dụng như mạch chia điện áp ngoài ra điện trở còn có công dụng sinh ra nhiệt với vai trò như một tải tiêu thụ ( bàn là, nồi cơm, bình nóng lạnh, lò nướng, máy sấy tóc...)
DIEN TRO TRONG THUC TE
MỘT SỐ ĐIỆN TRỞ TRONG THỰC TẾ
ĐIỆN TRỞ ĐƯỢC BIỂU HIỆN DƯỚI DẠNG TẢI TIÊU THỤ

    Điện trở không chỉ đơn thuần là một loại linh kiện điện tử như nhiều người nghĩ. Nó còn thể hiện dưới dạng tải tiêu thụ điện như bóng đèn sợi đốt, mâm nhiệt trong nồi cơm điện tử, thanh đốt trong bình nóng lạnh, thanh đốt trong lò nướng, mâm đốt trong bếp hồng ngoại, thanh đốt trong ấm siêu tốc....Tất cả những thanh đốt trên chính là một dạng điện trở. Ta biết rằng khi có một dòng điện chạy qua điện trở thì nó sẽ phát nhiệt, người ta đã ứng dụng nó vào trong những thiết bị kể trên.
ĐIỆN TRỞ THANH ĐỐT
MỘT SỐ ĐIỆN TRỞ THANH ĐỐT
     Vậy khi nhắc đến điện trở các bạn phải biết đó là một đại lượng vật lý đặc trưng cho sức cản trở dòng điện của một loại vật liệu nào đó. Biểu hiện thực tế bên ngoài của điện trở bao gồm những linh kiện điện trở và các tải điện trở tiêu thụ điện. Về mặt hình dáng bên ngoài là khác nhau giữa linh kiện điện trở và tải điện trở nhưng bản chất chúng đều là điện trở do đó tính toán trong mạch điện là giống nhau.

CÁCH ĐỌC ĐIỆN TRỞ TRONG THỰC TẾ

-Với những điện trở được ghi trị số trên thân thì chúng ta chỉ việc đọc giá trị của nó thôi
CÁCH ĐỌC ĐIỆN TRỞ
ĐIỆN TRỞ CÓ GIÁ TRỊ GHI TRỰC TIẾP TRÊN THÂN
      Trong hình trên nhìn từ dưới lên trên các bạn sẽ thấy các điện trở lần lượt là 470 Kilo Ôm, 1 Mega Ôm,  360 Kilo Ôm. Chữ J thể hiện sai số của điện trở là +-5% giá trị của nó

- Với những điện trở được đánh mã số thì các bạn sẽ giữ nguyên những số đầu , số cuối cùng là số chữ số 0 thêm sau vào các số đầu đó ta sẽ được giá trị điện trở với đơn vị là Ôm.
cach doc dien tro dan
CÁCH ĐỌC ĐIỆN TRỞ DÁN

    Như hình trên tôi lấy ví dụ điện trở đánh số 223, ta sẽ đọc như sau: Giữ nguyên 22 sau đó thêm 3 con số 0 vào sau nó ta được 22000 Ôm =22 Kilo Ôm.  Còn điện trở có mã số 8202 thì giữ nguyên 820 sau đó thêm 2 con số 0 vào sau nó ta được 82000 Ôm= 82 Kilo Ôm. Điện trở dưới 10 Ôm thì có thêm chữ R ta sẽ đọc giữ nguyên mã của nó và thay R thành dấu phẩy . Ví dụ 4R7 ta sẽ được 4.7 Ôm, 0R22 ta sẽ được 0.22 Ôm.

- Với những điện trở dùng vòng màu thì ta sẽ phải hiểu bảng vạch màu quy ước tương ứng với chữ số. Người ta quy ước các chữ số từ 0 đến 9  tương ứng với 10 màu dưới đây.

BANG MAU DIEN TRO
BẢNG MÀU ĐIỆN TRỞ
       Nhìn vào bảng trên ta sẽ có 2 màu nhũ vàng và nhũ bạc thể hiện sai số của điện trở, trong đó nhũ vàng có sai số 5% và nhũ bạc là 10 %. Các màu từ đen đến trắng tương ứng với số từ 0 đến 9. Khi nhìn vào điện trở được đánh vạch màu thì các bạn sẽ quy đổi các màu đó thành các chữ số rồi đọc như phương pháp đọc điện trở bằng mã số đã nói ở phần trên. Ví dụ một điện trở được sơn như các vạch màu dưới đây

Doc vach mau dien tro
Đọc điện trở vạch màu
Ta sẽ thấy các vạch màu tương ứng là đỏ, cam , vàng và nhũ bạc. Màu nhũ bạc là màu sai số lên ta không đọc điện trở từ chiều này. Ta sẽ có đỏ =2, cam=3, vàng =4 , nhũ bạc sai số 10%. Ghép lại thành điện trở có mã số là 234 ( xem lại phần đọc điện trở bằng mã số), giữ nguyên 23 và thêm 4 con số 0 sau nó ta được 230000 Ôm= 230 Kilo Ôm.

TỔNG KẾT
         
         Qua bài viết này tôi đã cùng các bạn tìm hiểu điện trở là gì cũng như cách đọc điện trở trong thực tế. Chúc các bạn tay nghề vững vàng và thành công trong cuộc sống.

No comments :

Post a Comment

Có nhận xét mới